Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

Đón Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia mộ và đền thờ Tiến sĩ Đào Toàn Bân

31/05/2022 31/01/2023

1226 0

Ngày 28/5, UBND xã Song Khê (TP Bắc Giang) tổ chức lễ đón Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia mộ và đền thờ Tiến sĩ Đào Toàn Bân.

Theo sử sách ghi lại, Tiến sĩ Đào Toàn Bân (1308 - 1386), còn gọi là Đào Toàn Mân, Đào Toàn Phú), quê ở làng Song Khê, xã Song Khê, huyện Yên Dũng (nay là TP Bắc Giang).

Đại diện UBND TP, ngành Văn hóa tỉnh trao bằng xếp hạng Di tích Quốc gia mộ và đền thờ Tiến sĩ Đào Toàn Bân cho đại diện UBND xã Song Khê và dòng họ Đào.

Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, học giỏi; mới 16 tuổi (năm 1324) đã đỗ đầu thi Hương, sau này đỗ Tiến sĩ đệ nhị giáp khi 44 tuổi. Ông làm quan đến chức Lễ Bộ thượng thư, Tham tri thẩm hình viện sự.

Tuy làm quan nhưng Tiến sĩ Đào Toàn Bân vẫn dành thời gian dạy học. Tại Khoa thi Đình năm 1374, ba ngôi đầu bảng vàng: Trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa đều thuộc về học trò của nhà giáo họ Đào. Trạng nguyên là Đào Sư Tích (con trai Tiến sĩ Đào Toàn Bân), bảng nhãn là Lê Hiến Phủ, thám hoa là Trần Đình Thám. Chưa kể ông có thêm một học trò nữa đỗ tiến sĩ là Lê Hiến Tứ. Vua hết lời ngợi khen cha con Đào Toàn Bân và Đào Sư Tích, ban cho bức trướng đề năm chữ “Phụ tử đồng đăng khoa” (Cha con cùng thi đỗ); cả hai cha con đều làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ.

Trong thời gian sinh sống tại làng Song Khê, Tiến sĩ Đào Toàn Bân nổi tiếng là người thầy lỗi lạc, mẫu mực và tâm huyết với nghề dạy học. Ông còn là tấm gương sáng trong học tập, cổ vũ và khơi nguồn truyền thống hiếu học tại vùng đất Song Khê. Vùng đất này có nhiều người đỗ đạt, đặc biệt có tới 13 vị tiến sĩ được ghi danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám nên còn được là “làng tiến sĩ”. Tiếp nối truyền thống của cha ông, đến nay xã Song Khê có nhiều người đỗ đạt, thành danh, cống hiến cho quê hương, đất nước ở các lĩnh vực KT-XH, quốc phòng...

Đại biểu dâng hương tại đền thờ.

Sau khi qua đời, thi hài nhà giáo Đào Toàn Bân được đưa về quê an táng tại xứ đồng Bãi Trạng, thôn Lịm Xuyên, xã Song Khê. Người dân làng Song Khê (nay là thôn Song Khê 1 và Song Khê 2) đã lập đền thờ ông. Những năm gần đây, chính quyền và nhân dân địa phương đã đầu tư trùng tu di tích khang trang, trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của dòng họ Đào và nhân dân trong vùng.

Di tích gồm mộ và đền thờ Tiến sĩ Đào Toàn Bân và phối thờ con trai là trạng nguyên Đào Sư Tích gồm 5 gian tiền tế và 2 gian hậu cung bố cục theo hình chữ đinh, các kết cấu kiến trúc đều theo lối truyền thống. Ngôi đền có tổng diện tích hơn 372 m2 gồm các hạng mục: Nghi môn, bình phong, sân, tiền tế, hậu cung. Khu mộ vẫn tại vị trí an táng ban đầu, cách đền thờ khoảng 2km về phía Tây được xây bằng chất liệu đá xanh, bao quanh là hệ thống tường xây gạch, phủ vữa quét vôi trắng. Khám thờ ở mộ có khắc chữ "Đào Toàn Bân, Tiến sĩ Tri Thẩm Hình viện sự đời nhà Trần".

Năm 2001, công trình được Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử. Ngày 18/6/2021, Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định xếp hạng Di tích lịch sử mộ và đền thờ Tiến sĩ Đào Toàn Bân ở xã Song Khê là di tích quốc gia.

Lễ rước Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia về đền thờ Tiến sĩ Đào Toàn Bân.

Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, đại diện UBND TP, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã công bố và trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đối với Di tích lịch sử mộ và đền thờ Tiến sĩ Đào Toàn Bân. Tại lễ đón nhận, UBND xã và dòng họ Đào long trọng tổ chức nghi lễ rước bằng, dâng hương tại đền thờ Tiến sĩ.

Đền thờ Tiến sĩ Đào Toàn Bân trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.

Phát biểu tại lễ đón nhận bằng, đại diện lãnh đạo UBND TP nhấn mạnh việc xếp hạng có ý nghĩa tôn vinh danh nhân và khẳng định giá trị lịch sử văn hóa của di tích, đồng thời ghi nhận công lao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP nói chung và xã Song Khê, dòng họ Đào nói riêng. Vì vậy, thời gian tới, Phòng Văn hóa - Thông tin TP quan tâm truyền thông, quảng bá giá trị của di tích để nâng cao ý thức của nhân dân trong bảo vệ, gìn giữ, đẩy mạnh hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch; tổ chức các hoạt động tham quan, giáo dục truyền thống, nhất là truyền thống hiếu học của Tiến sĩ Đào Toàn Bân, Trạng nguyên Đào Sư Tích tới nhân dân. Xã Song Khê tăng cường quản lý, phối hợp với dòng họ Đào kiện toàn Ban quản lý di tích, xây dựng nội quy; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham quan tại đây. Gia tộc họ Đào làm tốt công tác giáo dục, phát huy truyền thống hiếu học tới con em trong dòng họ và huy động các nguồn lực chung tay tôn tạo và nâng cao giá trị di tích.

Theo Báo BG

Bản đồ

Lịch trình mẫu