Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

Khai thác giá trị di sản văn hóa tại làng cổ Thổ Hà để phát triển du lịch

18/10/2022 976 0

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay nhu cầu đi thăm quan du lịch của du khách trong nước và quốc tế rất đa dạng về loại hình như thăm các điểm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề; du lịch văn hóa tâm linh... Đặc biệt trong thời gian những năm gần đây loại hình du lịch văn hóa tâm linh đang ngày càng phát triển. Do vậy vấn đề khai thác các giá trị di sản văn hóa tại các địa phương đang được quan tâm để bảo tồn gắn với phát triển du lịch. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã nêu  rõ: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa”. Vì vậy, việc khai thác các di tích lịch sử văn hóa nói riêng, di sản văn hóa nói chung để phát triển du lịch là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của chúng.  Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có ngôi làng cổ Thổ Hà, thuộc xã Vân Hà huyện Việt Yên là nơi có hệ thống di sản dày đặc với nhiều giá trị lịch sử; kiến trúc nghệ thuật; sản phẩm làng nghề truyền thống đang được địa phương, cộng đồng quan tâm bảo tồn gìn giữ, phát triển.

Cổng Làng Thổ Hà 

          Thổ Hà là một ngôi làng cổ  nằm ở bờ Bắc dòng sông Cầu thơ mộng; phía bên kia bờ Nam dòng sông là tỉnh Bắc Ninh. Thổ là đất Hà là sông chính vì vậy Thổ Hà là một ngôi làng nằm bên cạnh dòng sông cũng như theo tên gọi của nó. Đến nơi đây Du khách sẽ được  trải nghiệm và cảm nhận một không gian của làng quê quê thuần Việt mà ít nơi nào có được, đó là hình ảnh cây đa, bến nước sân đình, nơi đây là mảnh đất có bề dày truyền thống về lich sử văn hóa, trong một làng có tới 3 di tích được  nhà nước xếp hạng cấp quốc gia; một bảo vật quốc gia, một di sản phi vật thể quốc gia như: đình Thổ Hà được  xếp hạng di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia năm 1962. Đặc biệt tại ngôi đình có bức cửa võng được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2021. Chùa Thổ Hà được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1996; Văn chỉ làng Thổ Hà được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1999;  Lễ hội Thổ Hà được Nhà nước ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2012. Bên cạnh đó du khách được chiêm ngưỡng cổng làng cồ kính, miếu làng, điếm làng, giếng cổ, hay những con ngõ nhỏ cổ kính và rêu phong được làm bằng gạch nung, gốm, tiểu sành; thăm các gia đình làm mì gạo, nấu rượu, làm bánh đa nem, đồng thời cùng thưởng thức với những làn điệu quan họ làm say lòng biết bao du khách. Tất cả điều đó đã tạo nên vẻ đẹp mộc mạc nhưng vô cùng độc đáo, mang dấu ấn đặc trưng của một làng quê vùng Kinh Bắc xưa...Trải qua thời gian những di sản văn hóa này vẫn luôn được chính quyền và cộng đồng lớp lớp thế hệ người dân nơi đây bảo tồn kế thừa, giữ gìn và phát triển.

Đình Thổ Hà

        Tuy nhiên những di sản tại làng cổ Thổ Hà trong thời gian qua chưa khai thác được tối đa hiệu quả để phục vụ cho công tác phát triển du lich như việc khai thác các di tích  để phát triển du lịch trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Hoạt động du lịch tại các điểm di tích còn đơn lẻ, rời rạc, chưa gắn kết với nhau; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu; hoạt động du lịch chưa tạo ra nguồn thu để góp phần bảo tồn và tôn tạo di tích.  Bên cạnh đó  đường làng là những con ngõ trật hẹp, giao thông đi lại không thuận tiện; bánh đa nem  được coi là truyền thống của làng lại được phơi trong khuôn viên sân đình, chùa Thổ Hà và phơi ngay sát 2 bên đường ngõ làm cản trở giao thông đi lại và ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường vệ sinh. Ngoài ra làng cổ Thổ Hà cũng chịu ảnh hưởng không ít do tác động của thiên nhiên và thời gian. Do vậy vấn đề đặt ra cho Thổ Hà cần xây dựng những giải pháp mang tính vừa bảo tồn tổng thể di sản tại làng cổ vừa phát huy gắn với phát triển du lịch của địa phương.

Bảo vật quốc gia - Cửa võng đình Thổ Hà

        Một số giải pháp bảo tồn gắn với phát triển du lịch

        Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về môi trường tại di sản theo hướng mở rộng quá trình xã hội hóa thu hút sự tham gia rộng rãi và nâng cao năng lực của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường tại di sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục môi trường, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng dân cư và từng cá nhân trong việc tham gia và giám sát công tác bảo vệ môi trường tại di tích.

Toàn cảnh phía trước chùa Thổ Hà 

        Nghiên cứu đổi mới cơ chế chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế khác nhau tham gia vào phát triển du lịch. Hướng tới hình thành Ban quản lý di tích làng Cổ Thổ Hà. Xây dựng chức năng nhiệm vụ, nội dung quy chế; nội quy  hoạt động rõ ràng. Có như vậy mới tạo điều kiện bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản.

Gốm Thổ Hà

        Thu hút các doanh nghiệp lữ hành xây dựng tour du lịch làng nghề cồ Thổ Hà gắn với các điểm đến là các di tích, làng nghề trên địa bàn để tìm hiểu về lịch sử văn hóa, giá trị kiến trúc nghệ thật... Đồng thời cho du khách được thưởng thức hát quan họ do các liền anh liền chị Thổ Hà trình diễn trong không gian di sản; Thưởng thức ẩm thực truyền thống Bánh đa nướng, bánh đa nem, mỳ gạo, bánh khúc tai mèo, chè xắn, xôi xéo, cháo bánh canh...

Nướng banh đa Thổ Hà

        Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Mặc dù các di tích tại Thổ Hà đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo với kinh phí khá lớn nhưng vẫn thiếu các điều kiện phục vụ khách du lịch như bãi đậu xe, khu dịch vụ ăn uống, khu bán hàng lưu niệm, khu vệ sinh công cộng... Vì vậy, cần chú trọng đầu tư các công trình phục vụ khách du lịch tại các điểm di tích để phục vụ du khách được tốt hơn.

Ngõ nhỏ Thổ Hà 

        Tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại chỗ, chú trọng đào tạo hệ thống hướng dẫn viên tại điểm để truyền đạt các thông tin về các di sản văn hóa đến du khách một cách hấp dẫn, đầy đủ và sâu sắc

         Đẩy mạnh thông tin quảng bá du lịch gắn với xây dựng thương hiệu điểm đến để khách du lịch biết đến Làng cổ Thổ Hà. Tăng cường quảng bá những di sản  Thổ Hà trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo, Đài trung ương địa phương; trên hệ thống các ấn phẩm;  trên các trang mạng xã hội như facebook; số hóa các tài liệu tuyên truyền trên các mã Qrcode…

                                                                                                                                                                                Văn Dương

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu