10/06/2025 20/08/2025
69 0
Du lịch được xem là ngành kinh tế trên đà phát triển mạnh mẽ và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; mở ra rất nhiều cơ hội phát triển và cơ hội việc làm trong hiện tại và tương lai. Trong đó, nghề hướng dẫn viên du lịch (HDV) đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của giới trẻ và đây cũng là một trong những ngành nghề đang tạo nhiều cơ hội việc làm cũng như triển vọng phát triển lớn cho lao động hiện nay.
Ra mắt chi hội Hướng dẫn viên du lịch thuộc Hiệp hội du lịch Bắc Giang
Hướng dẫn viên du lịch là người trực tiếp giới thiệu, thuyết minh cho du khách về các điểm tham quan, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa; đồng thời hỗ trợ và chăm sóc du khách trong suốt chuyến đi. Như vậy, nghề hướng dẫn viên du lịch là một nghề đòi hỏi đáp ứng được nhiều yếu tố từ trình độ kiến thức đào tạo chuyên ngành đến, sức khoẻ, phẩm chất và hệ thống kiến thức tổng hợp đến các kỹ năng nghề cũng như các kỹ năng mềm khác. Để trở thành một người hướng dẫn viên chuyên nghiệp là cả một quá trình học tập, rèn luyện, tích luỹ phát triển bản thân người lao động.
Thuyết minh tại Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế
Số liệu thống kê của Cục Du lịch Việt Nam gần đây cho thấy, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40 nghìn lao động. Thế nhưng, lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15 nghìn người/năm; trong số đó, chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Trong đó đội ngũ hướng dẫn viên du lịch dù được đào tạo dài hạn ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp…nhưng khi được tuyển dụng làm việc hầu hết doanh nghiệp lữ hành đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kỹ năng, ngoại ngữ. Chính vì vậy để trở thành làm HDV chuyên nghiệp thì người lao động cũng gặp phải không ít thách thức phải đối diện, nhất là các HVD du lịch ở các địa phương, các tỉnh lẻ trong cả nước.
Đối với Bắc Giang hiện nay, đội ngũ hướng dẫn viên chủ yếu là đối tượng các hướng dẫn viên tại điểm. Tuy nhiên, hiện đội ngũ HDV hoạt động tại tỉnh chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm mà ít HDV có trình độ chuyên nghiệp. Một số HDV có kỹ năng, nghiệp vụ khá tốt nhưng nắm bắt chưa đầy đủ kiến thức lịch sử, văn hoá về di tích, hoặc điểm đến nên giới thiệu chuyên sâu đôi lúc còn bỡ ngỡ và lúng túng khi giải đáp câu hỏi của khách. Nghề HDV đòi hỏi phải thường xuyên cập nhật kiến thức, tự nâng cao khả năng ngoại ngữ, có sức khỏe, khả năng ứng biến, giao tiếp tốt, ngoại hình đẹp song thu nhập của nghề này tại địa phương chưa có sức hấp dẫn đối với sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành. Do đó đối tượng HDV chuyên nghiệp tại địa phương còn thiếu.
Thời gian gần đây, tỉnh Bắc Giang rất quan tâm trú trọng đến hoạt động du lịch. Tỉnh đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, đề án về phát triển du lịch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu với UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Đối tượng quan tâm là công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch; hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các khu, điểm du lịch; lãnh đạo, nhân viên tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn…
Thuyết minh tại Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân
Theo đó, tỉnh đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, đào tạo để nâng chất lượng đội ngũ HDV hàng năm. Thông qua lớp tập huấn, bồi dưỡng các học viên đã được truyền đạt các nội dung về kỹ năng hướng dẫn: tâm lý khách hàng, nhóm đối tượng khách; các kỹ năng xử lý tình huống đột xuất, cử chỉ, giọng nói, không gian, vị trí khi tương tác truyền tải thông tin cho du khách….Ngoài ra còn có tổ chức hội thi HDV du lịch nhằm tạo điều kiện cho các thí sinh được giao lưu, học hỏi kiến thức, kỹ năng thuyết minh, giới thiệu về các điểm di tích, danh lam thắng cảnh, văn hóa ẩm thực, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp ở địa phương; xử lý tình huống trong quá trình hướng dẫn du khách.
Mới đây, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã thành lập chi hội hướng dẫn viên du lịch thuộc Hiệp hội với 36 hội viên. Trong đó, Ông Giáp Văn Cường - Phó Giám đốc Trung Tâm VHĐA tỉnh Bắc Giang giữ chức Chủ tịch Chi hội. Với sự thành lập Chi hội HDV du lịch tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hơn nữa về nhiều phương diện hoạt động của đội ngũ HDV du lịch trong thời gian tới; đồng thời tạo môi trường, điều kiện tốt nhất cho các hội viên tăng cường liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau về trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như các kỹ năng xử lý phát sinh trong công việc; các hoạt động phục vụ du khách nhằm nâng cao giá trị chất lượng, sản phẩm du lịch, tăng khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước.
Tại một số địa phương (Yên Dũng, Hiệp Hòa và thị xã Việt Yên) cũng đã có câu lạc bộ HDV với sự tham gia của đoàn viên thanh niên, học sinh trên địa bàn huyện nhằm tạo nguồn nhân lực hỗ trợ hướng dẫn tại các điểm di tích. Bên cạnh đó, một số huyện còn tổ chức hội thi hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch tạo sân chơi giao lưu học hỏi rất bổ ích cho các đối tượng tham gia hội thi.
Trong bối cảnh hiện nay, sau khi đại dịch Covid-19 qua đi, du lịch phục hồi, và trên đà phát triển mạnh, ngành du lịch lại đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực để “tái thiết”. Đó là một thách thức đối với ngành nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội nghề nghiệp lớn cho lực lượng lao động trong đó có đội ngũ HDV. Để khắc phục tình trạng nguồn nhân lực nói chung và phát triển chất lượng đội ngũ HDV của tỉnh nói riêng cần quan tâm đến một số vấn đề chủ yếu như: Tăng cường gắn kết triển khai đào tạo nhân lực bằng nhiều hình thức tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại cho nguồn nhân lực du lịch cho địa phương giữa các hệ thống đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp cùng các doanh nghiệp du lịch; Lao động du lịch cần trang bị kiến thức, kỹ năng về công nghệ số gắn với ngành du lịch; nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin trong công việc của người lao động ngành du lịch; nâng cao trình độ, hiểu biết của người lao động về công nghệ số khả năng ứng dụng vào công việc; Quan tâm đến chính sách đãi ngộ, ưu tiên tốt đối với đối tượng có trình độ cao, làm nghề giỏi nhằm thu hút nguồn lực lao động chất lượng cho ngành./.
Hà Bộ