Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

Ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số - Điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến với Bắc Giang

28/08/2024 1034 0

Lâu nay, Bắc Giang được biết đến không chỉ là nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn là một miền đất đa dạng về bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với các phong tục, tập quán, các lễ hội, các loại hình nghệ thuật… thì văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc ít người nơi đây luôn là một trong yếu tố hấp dẫn, thu hút du khách mỗi khi đến với địa phương.

Ẩm thực dân tộc là một trong những thành tố văn hóa phản ánh bản sắc, văn hóa mỗi cộng đồng, dân tộc. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phương thức chế biến, cách thưởng thức khác nhau đã tạo nên những món ăn đặc trưng cho mỗi tộc người, mỗi địa phương. Và chính sự khéo léo, tinh tế, nghệ thuật trong kỹ thuật chế biến kết hợp với nguồn nguyên liệu đặc trưng của vùng miền đã tạo nên hồn cốt của các món ăn mang tính vùng miền. Đó cũng là một trong những yếu tố tạo ra sức hút trong du lịch.

Góc trưng bày các món ăn của đồng bào huyện Lục Ngạn

 Khi du khách đến một địa điểm tham quan du lịch, bên cạnh việc tìm hiểu lịch sử, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên thì đa phần họ còn có nhu cầu thưởng thức những món ăn đặc sản, đặc trưng của địa phương đó. Thông qua việc thưởng thức văn hoá ẩm thực vùng miền, khách du lịch được trải nghiệm những khía cạnh văn hóa truyền thống đặc sắc của mỗi địa phương. Bởi văn hóa ẩm thực là những đặc trưng, mang dấu ấn vùng miền khá đậm nét. Có thể nói ẩm thực đóng vai trò quan trọng góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp, làm tăng hiệu quả hoạt động quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với địa phương.

Bên cạnh các yếu tố có thể làm thỏa mãn nhu cầu du khách như cảnh quan thiên nhiên, nét sinh hoạt văn hoá, dịch vụ phục vụ du lịch,...thì ẩm thực của các tộc người ở Bắc Giang đã góp phần gia tăng giá trị cũng như tạo dựng hình ảnh tốt đẹp đối với du khách về điểm đến. Đến với địa phương du khách không chỉ được thưởng thức một bữa ăn ngon, mà còn là cơ hội giúp họ hòa mình vào nền văn hóa di sản của người dân địa phương, tạo ra những ấn tượng hoàn toàn khác biệt với những chuyến trải nghiệm khám phá thú vị về mảnh đất và con người bản địa.

Nói đến ẩm thực đồng bào dân tộc thiểu số của Bắc Giang chính là nhắc đến những món ăn mang hương vị truyền thống của mảnh đất trung du miền núi, thể hiện nét văn hóa, phong tục tập quán, nếp sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống nơi đây. Ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số của Bắc Giang cũng rất đa dạng với nhiều món ăn là đặc sản vừa ngon vừa hấp dẫn. Chúng là các món ăn đặc trưng của từng dân tộc sử dụng trong ăn uống hàng ngày, trong ngày lễ tết và đặc biệt là được giới thiệu trong cuộc thi ẩm thực như: lợn quay của các dân tộc, xôi trứng kiến của người Cao Lan - Sán Chí, bánh vắt vai của người Tày - Nùng, món khau nhục, bánh bìa, xôi nhiều màu…

Xôi ngũ sắc của đồng bào dân tộc 

Để hình thành nên một sản phẩm du lịch thì ẩm thực luôn là một thành tố rất quan trọng trong hoạt động phục vụ du lịch đó là dịch vụ ăn uống. Khách tham quan đến với mỗi vùng đất ngoài việc chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên khoáng đạt, tìm hiểu lịch sử văn hoá có giá trị, thưởng thức các sản phẩm văn hoá nghệ thuật của các dân tộc thì việc thưởng thức ẩm thực là một phần không thể bỏ qua. Mỗi sản phẩm ẩm thực để lại một cảm giác ngon miệng cho thực khách du lịch thì cũng để lại một ấn tượng đẹp về vùng đất có sản phẩm ẩm thực ấy. Và khách du lịch có thể mua quà chính là những sản phẩm ẩm thực về tặng cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp…Thông qua những món quà ý nghĩa đó chính là cơ hội để cho nhiều người chưa được đến sẽ biết và cảm nhận phần nào đó về mảnh đất và con người Bắc Giang qua những sản phẩm ẩm thực địa phương. Đó cũng chính là một trong phương thức quảng bá du lịch rất hiệu quả tạo ra sức hút kích cầu du lịch, góp phần quan trọng để thúc đẩy du lịch Bắc Giang phát triển.

Món khau nhục đặc trưng của đồng bào dân tộc Lục Ngạn

Hiện nay, nhiều món ăn của đồng bảo dân tộc Tày, Nùng ở khu vực Lục Ngạn, Sơn Động thuộc tỉnh Bắc Giang đã rất được du khách yêu thích thưởng thức tại chỗ hay thậm chí mua về làm quà biếu mỗi khi có dịp đi đến địa phương. Nhiều món ăn được các thực khách đánh giá cao bởi từ hương vị đặc sắc cho đến quy cách trình bày, hay mẫu mã đều khá độc đáo. Tiêu biểu như món cơm lam có hương vị đặc trưng, khó trộn lẫn. Được chế biến từ gạo nếp, cơm lam không nấu từ gạo tẻ mà nấu bằng gạo nếp. Hạt nếp thu hoạch từ những thửa ruộng mang hương vị vùng đất nơi đây mới có. Cơm lam có thêm hương vị đặc trưng của nước dừa, nếp mới, lạc chín hoặc thịt lợn. Nước cốt dừa thổi cơm trên lửa thay vì nước mưa thông thường; Xôi ngũ sắc là loại xôi có 5 màu nhuộm từ nước các loại lá tự nhiên. Bao gồm màu trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây và tím hay đen. Điểm đặc biệt của ẩm thực dân tộc Tày là không dùng bất cứ loại phẩm màu hay chất phụ gia nào. Để tạo màu, người Tày sẽ dùng các loại lá cây ngoài tự nhiên để nhuộm màu cho gạo nếp rồi mới đem đồ chín; Món Xôi trứng kiến được mang về làm sạch rồi xào chín với hành khô. Xôi nếp cái hoa vàng đồ chín rồi trộn với phần trứng kiến đã xào. Xôi dẻo mềm, vị béo ngậy của trứng kiến và thơm ngào ngạt mùi hành phi khiến ai ăn một lần là nhớ mãi; Món khau nhục của Tày, Nùng Bắc Giang cũng có hương vị đặc trưng riêng của miền đất. Hay các loại bánh của người Nùng có bánh chưng, bánh vắt vai, bánh dày, bánh gio, bánh trôi, bánh gai... cũng được nhiều du khách yêu thích và mua về làm quà cho người thân và bạn bè. Để hấp dẫn hơn thu hút du khách các sản phẩm ẩm thực bán để làm quà trong dịch vụ du lịch tại các khu điểm du lịch cộng đồng cũng được quan tâm đến vấn đề mẫu mã, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm. Mẫu mã và nhãn hiệu đẹp, qui cách đóng gói gọn nhẹ dễ dàng trong vận chuyển đi lại nên rất được du khách ưa chuộng.

 Để phát huy hơn nữa các giá trị độc đáo của văn hoá ẩm thực dân tộc thiểu số trong việc hấp dẫn, thu hút khách du lịch, các cấp, ngành quản lý cũng như người dân địa phương cần quan tâm hơn nữa về cơ chế chính sách cho việc khai thác bảo tồn phát huy giá trị văn hoá ẩm thực dân tộc; Tạo được sản phẩm có thương hiệu riêng cho văn hoá ẩm thực dân tộc thiểu số địa phương; Tăng cường quản lý chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm các món ăn ẩm thực truyền thống dân tộc trong quá trình phục vụ khách du lịch; Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với văn hóa ẩm thực độc đáo của bà con dân tộc thiểu số tại địa phương đến với đông đảo du khách./.

Hà Bộ

         

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu