Dưới thời Pháp thuộc, ngày 11/7/1888, đơn vị hành chính “Phủ Lạng Thương” ra đời. Ngày 10/10/1895, tỉnh Bắc Giang được thành lập, Phủ Lạng Thương trở thành tỉnh lỵ tỉnh Bắc Giang. Từ một căn cứ quân sự, Phủ Lạng Thương đã trở thành một đô thị với nhiều phố lớn, nhà ga, bến cảng, khách sạn, bưu điện, câu lạc bộ, trường học, công viên, sân vận động. Năm 1959, thị xã Phủ Lạng Thương đổi tên là thị xã Bắc Giang.
Toàn cảnh thành phố Bắc Giang ( ảnh Thành Sơn)
Năm 1963, tỉnh Hà Bắc được thành lập trên cơ sở hợp nhất 02 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, thị xã Bắc Giang tiếp tục là thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Hà Bắc. Trong kháng chiến chống Mỹ, thị xã Bắc Giang là nơi diễn ra nhiều trận đánh trả máy bay Mỹ oanh liệt, bảo vệ thị xã, bảo vệ tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn. Nơi đây có nhiều phong trào hoạt động của các tổ chức đoàn thể nhân dân, tiêu biểu là hội Mẹ chiến sỹ xã Đa Mai với phong trào vá áo bộ đội đã đi vào lịch sử với bài ca “Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa”. Nhiều con em thị xã Bắc Giang đã hy sinh anh dũng trên các chiến trường và ngay trên mảnh đất quê hương, góp phần cùng cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trung tâm Hành Chính Tp BG ( Ảnh Tiến Dũng)
Với những đóng góp, những chiến công và thành tích xuất sắc trong chiến đấu và xây dựng, thị xã Bắc Giang đã có hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao qúy. Trong đó thị xã được tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ”, Huân chương lao động hạng Nhì trong thời kỳ đổi mới; 05 phường, xã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ”; 95 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”. Thị xã đã 4 lần vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, làm việc với tỉnh và thị xã (năm 1955, 1959, 1961 và 1963).
Năm 1997, sau khi chia tách tỉnh Hà Bắc thành 2 tỉnh (Bắc Giang và Bắc Ninh), thị xã Bắc Giang vẫn là tỉnh lỵ của tỉnh Bắc Giang. Cùng với những thành tựu chung của cả nước và tỉnh trong thời kỳ đổi mới, thị xã Bắc Giang đã có những bước phát triển nhanh về mọi mặt, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật của tỉnh và là một trong những trung tâm chuyên ngành cấp vùng. Tháng 12 năm 2003, thị xã Bắc Giang đã được công nhận là đô thị loại III và tháng 6 năm 2005 Chính phủ có Nghị định thành lập thành phố Bắc Giang thuộc tỉnh Bắc Giang; năm 2010 được mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập 05 xã của 02 huyện Yên Dũng và Lạng Giang về thành phố, mở ra điều kiện mới cho phát triển và nâng cấp đô thị. Trong những gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Bắc Giang đã chủ động vượt qua khó khăn, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Ghi nhận những thành quả to lớn đã đạt được, cán bộ và nhân dân thành phố đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ tặng thưởng như: Anh hùng lực lượng vũ trang (năm 1999); Huân chương lao động hạng Nhì (năm 2005), hạng Nhất (năm 2009); Huân chương lao động hạng Ba trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (năm 2010); Bằng khen của Thủ tướng chính phủ năm 2000, năm 2011 và nhiều cờ thi đua, bằng khen của các Bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh… Đặc biệt, năm 2014, thành phố Bắc Giang đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Độc lập hạng Ba”, Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận thành phố Bắc Giang là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bắc Giang; được Hiệp hội các đô thị Việt Nam công nhận là 1 trong 18/gần 800 đô thị cả nước xanh, sạch, đẹp.
Siêu thị Go( ảnh Trần Tuấn)
Với vị trí thuận lợi về giao thông, cách thủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc, ở vị trí trung lộ trên tuyến giao thông huyết mạch chiến lược (gồm đường bộ, đường sắt liên vận quốc tế) nối Thủ đô Hà Nội với thành phố Lạng Sơn và cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng. Được xác định là vị trí đầu mối giao thông cấp liên vùng quan trọng: Nằm cận kề vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có hệ thống đường bộ gồm các quốc lộ 1A cũ và mới, 31, 37, tỉnh lộ 398, 293…; các tuyến đường sắt: Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Kép - Hạ Long, Hà Nội - Kép - Thái Nguyên chạy qua; có tuyến đường sông nối thành phố với các trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch lớn như Phả Lại, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Yên Tử, Hải Phòng…
Năm 2016, thành phố có trên 100 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có những khách sạn đạt tiêu chuẩn 2, 4 sao như: Mường Thanh, Bắc Giang, Hữu Nghị (Minh Trung), Lam Sơn, Hoà Bình, Hoàng Gia... Hiện nay, thành phố có 02 điểm du lịch tự nhiên, sinh thái và 43 di tích lịch sử (01 di tích quốc gia đặc biệt,13 di tích cấp quốc gia, 29 di tích cấp tỉnh) đang được khai thác, tiêu biểu như: Di tích Chùa Kế, nghè Cả (phường Dĩnh Kế); đình Thành, chùa Thành (phường Xương Giang), chùa Vẽ (phường Thọ Xương) ...và 62 lễ hội truyền thống, tiêu biểu như: Lễ hội chiến thắng Xương Giang; chùa Hồng Phúc (phường Trần Nguyên Hãn); chùa Dền (phường Lê Lợi); Đình Vĩnh Ninh (phường Hoàng Văn Thụ).... Đến với Bắc Giang - thành phố bên bờ sông Thương - quý khách không chỉ được thưởng thức những món ăn dân dã là đặc sản nổi tiếng của Bắc Giang được khách du lịch gần xa biết đến như: Chè kho Mỹ Độ, Bún Đa Mai, Bánh đa Kế, Mỳ Kế... mà còn được tham quan di tích lịch sử Thành Xương Giang, trận chiến Xương Giang diễn ra cách đây gần 600 năm nhưng âm hưởng của chiến thắng vẫn vang vọng và sẽ ngân xa suốt chiều dài của lịch sử dân tộc.
Nhiều năm qua, thành phố Bắc Giang luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Với lợi thế về vị trí địa lý, đầu mối giao thông liên vùng, thương mại - dịch vụ thành phố liên tục phát triển và thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm sau cao hơn năm trước. Hoạt động Tài chính - Ngân hàng và một số ngành dịch vụ: Giao thông - Vận tải, Bưu chính - Viễn thông, các dịch vụ phục vụ phát triển Công nghiệp - TTCN, Nông nghiệp... ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ được quan tâm đầu tư và có chuyển biến tích cực. Bên cạnh hệ thống chợ truyền thống đã được nâng cấp, thành phố có nhiều trung tâm thương mại, siêu thị hoạt động như: Siêu thị Go, Media mart, Trần Anh, Co.op Mart... Các loại hình thương mại - dịch vụ tăng cả về số lượng và chất lượng; tính đến năm 2021, thành phố có 8.274 cơ sở thương mại, du lịch và khách sạn nhà hàng (tăng 1.432 cơ sở so với năm 2010). Dịch vụ bưu chính, viễn thông, vận tải phát triển mạnh, chất lượng dịch vụ nâng lên. Hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí, quảng cáo có bước phát triển.
Sông Thương đã có thêm nhiều cây cầu vĩnh cửu nối nhịp đôi bờ. Nhiều đoạn sông đã được kè đá vững trãi và hai bên bờ đêm đêm ánh điện lung linh tỏa sáng. Thành phố Bắc Giang nay khác xưa, sông Thương đôi dòng trong đục luôn là niềm nhớ nhung, yêu dấu, tự hào của biết bao người – dẫu họ không sinh ra ở đây./.
Lê Đức Cương