Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

Bắc Giang: Từng bước tạo sản phẩm du lịch đặc trưng và hấp dẫn thông qua công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

14/12/2022 1043 0

Những năm vừa qua, ngành VHTTDL tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm, chú trọng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); Sở VHTTDL tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng và ban hành nhiều Đề án, Đề tài, Kế hoạch nhằm sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, phổ biến các giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã cụ thể hoá các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác văn hoá vùng đồng bào DTTS, đồng thời từng bước đưa bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trở thành nền tảng, chất liệu, tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn và đặc trưng tại Bắc Giang.

Những bản sắc văn hóa truyền thống tiêu biểu

          Bắc Giang là vùng đất cổ, giàu truyền thống văn hóa. Ở đó, những bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc luôn được lưu giữ, trao truyền, trong đó nhiều loại hình di sản văn hóa đã được vinh danh ở cấp bậc quốc gia và quốc tế. Đến với tỉnh Bắc Giang vào những dịp Giêng, Hai, khi đất trời vào Xuân, du khách có thể lựa chọn tham dự vào một “kho tàng” với gần 800 lễ hội được tổ chức, trong đó có 09 lễ hội được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên); Lễ hội Yên Thế (thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế); Lễ hội Y Sơn (xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa); Lễ hội Đền Suối Mỡ (xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam); Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm (xã trí Yên, huyện Yên Dũng); Lễ hội đình Vồng (xã Song Vân, huyện Tân Yên); Lễ hội chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên); Lễ hội Tiên Lục (xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang) Lễ hội vật cầu nước làng Vân (xã Vân Hà, huyện Việt Yên) . Trong không gian lễ hội ở Bắc Giang, không chỉ là nơi lưu giữ, trao truyền các nghi lễ truyền thống mà còn là “miền đất sống” của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc đã được UNESCO vinh danh như: Dân ca Quan họ, Ca trù, Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt và Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Bên cạnh đó, tại các huyện vùng cao, miền núi như: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang còn được thể hiện thông qua các loại hình dân ca truyền thống như: Dân ca dân tộc Cao Lan (Sịnh ca), Dân ca dân tộc Sán Chí (Cnắng cọô), Dân ca dân tộc Nùng (Soonghao), Dân ca dân tộc Sán Dìu (Soọng Cô), Hát Then – đàn tính dân tộc Tày – Nùng … Trong đó, Dân ca Sán Chí, xã Kiên Lao và Dân ca Cao Lan, xã Đèo Gia (huyện Lục Ngạn) đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

         Hát dân ca dân tộc thiểu số ở Lục Ngạn (Bắc Giang)

Miền di sản văn hóa Bắc Giang, sau hàng nghìn năm được hun đúc, đã tạo nên không gian văn hóa vô cùng đặc sắc. Nếu như những làn điệu Dân ca Quan họ, Ca trù, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ với nghi lễ hát văn, hầu đồng được thực hành trong không gian của những ngôi đình, chùa, đền, điện nằm dọc theo các mạch, từ thượng nguồn tới hạ nguồn của những con sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh Bắc Giang như: Sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam; thì những làn điệu dân ca dân tộc thiểu số lại được âm vang bên những dải núi, đồi 4 mùa ngát hương hoa trái.

          Bên cạnh những di sản đã được vinh danh ở cấp bậc quốc gia và quốc tế, sẽ rất thiếu sót khi không nhắc tới những loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc khác ở Bắc Giang, đó là nghệ thuật Chèo, Tuồng. Từ lâu, Chèo cổ Bắc Giang được mệnh danh là một trong “tứ chiếng” trong lịch sử nghệ thuật Chèo ở nước ta, nổi danh với những vùng chèo truyền thống như: Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên..., loại hình này thường gắn với hoạt động tại các đền, đình, chùa, am miếu... Những phường Chèo này hầu hết đều do nhân dân tự lập nên, diễn viên vừa làm ruộng, vừa tham gia các phường Chèo. Theo thống kê, tỉnh Bắc Giang hiện nay có khoảng 40 CLB cùng hàng chục đội Chèo nằm ở hầu hết các huyện, thành phố. Trong số này, rất nhiều CLB giàu truyền thống, hoạt động như một đội nghệ thuật chuyên nghiệp, tạo dựng được danh tiếng trên các chiếu Chèo trong vùng nhờ khả năng biên đạo, dàn dựng và tổ chức luyện tập, biểu diễn.

          Cùng với nghệ thuật Chèo, tại ngôi làng cổ nằm bên bờ Bắc của dòng sông Cầu (làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên) là nơi duy nhất của tỉnh Bắc Giang còn lưu giữ được nghệ thuật Tuồng cổ, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Không chỉ xuất hiện trên sân khấu, các nhân vật Tuồng còn là “điểm nhấn” trong nghi lễ rước của Lễ hội Thổ Hà hàng năm, người dân nơi đây vẫn trao truyền cho nhau từng tích truyện, kịch bản, trang phục, vai diễn cho đến cách hóa trang, điệu bộ của Tuồng... Với tinh thần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, giữ gìn tinh hoa vốn cổ của ông cha, người dân Thổ Hà từ lâu đã truyền tai nhau câu nói: “Phi tuồng bất thành hội” (không có tuồng thì không thành lễ hội). Vì vậy hàng năm, làng mở hội vào ngày 20, 21 tháng Giêng và đều tổ chức diễn Tuồng, thu hút rất đông khán giả trong và ngoài vùng đến thưởng thức…

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Trong những năm qua, Sở VHTTDL Bắc Giang đã chỉ đạo tiến hành điều tra, nghiên cứu, bảo tồn một số lễ hội tiêu biểu; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc; khôi phục các nghi lễ, trò chơi dân gian truyền thống như: Lễ hội Yên Thế khôi phục nghi lễ “phóng ngư, phóng điểu”, Lễ hội Thổ Hà có nghi lễ đám rước chuẩn mực, tiêu biểu; lễ hội đình Vồng có lễ tế ngựa- một nghi thức biểu dương tinh thần thượng võ,… Cùng đó, việc tổ chức định kỳ Ngày hội VHTTDL các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã góp phần quảng bá những nét đặc trưng của các địa phương trong tỉnh thông qua các hoạt động như: Liên hoan ca múa nhạc dân gian; trại văn hóa; giới thiệu ẩm thực dân gian, trình diễn trang phục các dân tộc, thi các môn thể thao truyền thống như: Kéo co, đẩy gậy, võ cổ truyền, vật dân tộc.... Đây thực sự là dịp để đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Giang thể hiện vốn văn hóa đa dạng, phong phú.

Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn tỉnh Bắc Giang

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Dân ca Quan họ, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 84 Câu lạc bộ Quan họ với gần 1.500 hội viên. Trong 10 năm qua, đã có trên 300 lớp truyền dạy dân ca Quan họ được tổ chức; các dự án sân khấu học đường đã được triển khai hiệu quả, mã ngành đào tạo nghệ thuật biểu diễn dân ca Quan họ đã được mở ở Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang từ năm học 2011; Liên hoan Quan họ tỉnh Bắc Giang được tổ chức định kỳ 02 năm/01 lần. Về bảo tồn và phát huy gía trị Di sản Ca trù, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã có 07 Câu lạc bộ được thành lập tại các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng, Tân Yên và thành phố Bắc Giang; tổ chức 40 lớp truyền dạy Ca trù cho khoảng 400 lượt học viên. Đây là nơi tập hợp những người tâm huyết, say mê với nghệ thuật Ca trù, yêu thích loại hình nghệ thuật cổ truyền của dân tộc.

Cùng với Di sản Quan họ, Ca trù, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có 5/10 huyện, thành phố đã bảo tồn và phát huy được giá trị truyền thống của dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS, đó là các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang. Toàn tỉnh, hiện đã thành lập và duy trì được tổng số 49 CLB hát dân ca DTTS.

          Để tiếng hát chèo mãi vang xa, những năm qua, ngành VHTTDL chỉ đạo, triển khai nhiều hoạt động tích cực. Đơn cử, từ năm 2005 đến nay, Nhà hát Chèo Bắc Giang thực hiện dự án hỗ trợ nhằm khôi phục, nâng cao chất lượng nghệ thuật cho CLB Chèo của các địa phương. Ngoài cử nghệ sĩ về hướng dẫn CLB hát, diễn các trích đoạn chèo cổ, Nhà hát còn đầu tư trang phục, đạo cụ biểu diễn, thiết bị âm thanh giúp các CLB có điều kiện hoạt động tốt. Bên cạnh đó, Nhà hát còn triển khai chương trình sân khấu học đường, góp phần phát hiện, đào tạo hàng trăm nhân tố trẻ cho phong trào hát Chèo cơ sở. 

          Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc, gắn với việc hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn, thu hút du khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, bước đầu đã có kết quả, tiêu biểu như các mô hình: CLB dân ca Cao Lan, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế; CLB hát then-đàn tính xã An Lạc, huyện Sơn Động; CLB hát dân ca dân tộc Cao Lan, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam. Thời gian tới, ngành VHTTDL tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, phối hợp cùng các ngành, địa phương tiếp tục triển khai công tác nghiên cứu, thực hành, tiến tới hình thành nhiều sản phẩm du lịch, chứa đựng nhiều bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Giang giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế.

Phí Trường Giang

Related Post

Sample Plan