Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

Bắc Giang: Vải sớm mã đẹp, hút khách

30/05/2023 1240 0

Thời điểm này, nhà vườn bắt đầu thu hoạch vải sớm. Với ưu thế chín sớm, chất lượng tốt, mã đẹp, vải thiều sớm tạo được sức hút lớn, thương nhân đến tận vườn thu mua. 

Vải sớm khan hàng

Xã Tân Lập (Lục Ngạn) có hơn 900 ha vải thiều, trong đó diện tích trồng vải sớm khoảng 260 ha. Những ngày cuối tháng 5, nhiều vườn vải u hồng trên địa bàn xã bắt đầu chín, dù chưa ngọt sắc song vẫn tạo sức hút mạnh đối với khách hàng. Tại vườn vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP của gia đình anh Hoàng Tuấn Huynh (SN 1976) ở thôn Trại Thập, thương nhân đến tận vườn thăm, đặt mua sản phẩm với số lượng lớn. 

Anh Hoàng Tuấn Huynh (phải), thôn Trại Thập, xã Tân Lập (Lục Ngạn) cùng người thân thu hoạch vải sớm.

Theo anh Huynh, trước đây anh chỉ tập trung trồng vải thiều (vải chính vụ) song vài năm gần đây nhận thấy giá trị kinh tế từ vải sớm, anh bắt đầu chuyển một phần diện tích trồng các loại cây khác, đất đồi sang trồng vải u hồng. Năm nay, 150 gốc vải u hồng bắt đầu cho thu hoạch, dự kiến đạt hơn 20 kg/cây. “Gần một tuần nay, ngày nào cũng có thương nhân điện thoại, thậm chí đưa xe đến tận vườn hỏi mua song tôi không có vải để bán. 

Dự kiến khoảng 4-5 ngày nữa, diện tích vải sớm sẽ cho thu hoạch rộ, khi đó tôi mới nhận cung ứng những đơn hàng lớn. Nếu giá bán vẫn ổn định ở mức 30 nghìn đồng/kg, gia đình tôi sẽ thu về khoảng 90 triệu đồng từ vải u hồng ngay ở vụ thu hoạch đầu tiên”, anh Huynh chia sẻ.

Với lợi thế vượt trội như vị thơm ngọt đặc trưng, thời điểm thu hoạch sớm nên những năm gần đây, nông dân trong tỉnh quan tâm mở rộng diện tích trồng vải sớm, chủ yếu là vải u hồng, u trứng và lai Thanh Hà. Tại vùng vải sớm Phúc Hoà, với 680 ha, năm nay người dân trong xã dự kiến thu về khoảng 9 nghìn tấn quả. 

Từ ngày 20/5, một số hộ dân bắt đầu thu hoạch. Do đầu vụ nên sản lượng ít, mỗi ngày đưa ra thị trường 200-500 kg, chủ yếu bán làm quà biếu. Hai ngày gần đây, các vườn vải bắt đầu chín, hoạt động thu mua diễn ra sôi động hơn. Thống kê của UBND xã Phúc Hoà, đến chiều 28/5, trên địa bàn có gần 30 điểm cân được mở với nhu cầu thu mua gần 100 tấn vải/ngày. Tuy nhiên do khan hàng nên người dân chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu của thương nhân. 

Để đủ hàng đưa đi tiêu thụ, nhiều điểm cân cử người về tận vườn để trả giá, đặt hàng. Ví như điểm cân của anh Nguyễn Văn Đại ở thôn Cạng (xã Phúc Hoà) cử 2 nhân công về các vườn vải để đặt hàng song cũng chỉ thu mua được khoảng 10 tấn/ngày, bằng một nửa so với nhu cầu thực tế. Chị Lương Thị Bẩy, người trồng vải tại xã Phúc Hoà nói: “Năm nay, vải u hồng bị rụng nên sản lượng dự kiến của gia đình chỉ bằng 80% năm ngoái. Giá đầu mùa đạt 30-35 nghìn đồng/kg nên người trồng vải chúng tôi rất phấn khởi, mong chờ sẽ có mùa vải bội thu”.

Thu hoạch đúng thời điểm để giữ chất lượng

Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), năm nay tổng diện tích vải thiều của tỉnh là 29,7 nghìn ha, sản lượng ước đạt hơn 180 nghìn tấn; trong đó vải chín sớm 7,7 nghìn ha, sản lượng ước 57 nghìn tấn. 

Nông dân xã Phúc Hoà (Tân Yên) vào vụ vải sớm.

Đáng chú ý diện tích vải sớm ngày càng tăng, tập trung ở các huyện: Tân Yên, Lục Ngạn và Lục Nam. Cụ thể, toàn bộ 1,4 nghìn ha vải thiều được trồng mới từ năm 2022 đến nay trên địa bàn tỉnh là vải sớm. Tính riêng tại thủ phủ vải thiều Lục Ngạn, chỉ 3 năm gần đây diện tích vải sớm toàn huyện tăng thêm 1,5 nghìn ha, qua đó nâng tổng diện tích vải sớm toàn huyện lên gần 4 nghìn ha. 

Để hỗ trợ tiêu thụ vải thiều nói chung, vải sớm nói riêng, hiện Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã đồng ý cho 160 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) để thu mua vải thiều xuất khẩu tại Bắc Giang. 

 

Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, năm nay tổng diện tích vải thiều của tỉnh là 29,7 nghìn ha, sản lượng ước đạt hơn 180 nghìn tấn, trong đó vải chín sớm 7,7 nghìn ha, sản lượng ước 57 nghìn tấn. Đáng chú ý, diện tích vải sớm ngày càng tăng, tập trung ở các huyện: Tân Yên, Lục Ngạn và Lục Nam. Toàn bộ 1,4 nghìn ha vải thiều được trồng mới từ năm 2022 đến nay trên địa bàn tỉnh là vải sớm.

 

Ông HUANG SHIWEN, thương nhân Trung Quốc cho biết: “Năm nay tôi dự kiến thu mua khoảng 1 nghìn tấn vải thiều Lục Ngạn để đưa về thị trường Trung Quốc. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, tôi đã lựa chọn được hai điểm cân tại xã Tân Quang và Phượng Sơn. Dự kiến đầu tháng 6, các điểm cân sẽ chính thức hoạt động”.

Theo kế hoạch, cùng với kênh tiêu thụ qua các thương nhân, chợ đầu mối, năm nay tỉnh sẽ đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử như: Voso, Alibaba, Lazada, Sendo, Viettel Post... Đồng thời kết nối sản phẩm vải thiều của các hợp tác xã, nhà vườn với các tập đoàn bán lẻ, siêu thị lớn trong nước. Bên cạnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để xuất khẩu vải thiều đến các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản…, các địa phương cũng chủ động tìm kiếm, mở rộng thêm các thị trường mới, tiềm năng như các nước khu vực Nam Mỹ, châu Phi… 

Thông qua các buổi làm việc với UBND huyện Lục Ngạn, các đơn vị, địa phương đều cam kết tạo mọi điều kiện để vải thiều Lục Ngạn xuất ngoại cũng như tiếp cận thị trường. Còn tại xã Phúc Hoà, hiện các doanh nghiệp đã ký kết thu mua 300 tấn vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của địa phương để đưa vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hoa Kỳ… 

Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: “Dù đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch song do đặc thù chín rải rác nên nguy cơ sâu đục cuống quả trên vải sớm vẫn còn. Do đó người dân cần tập trung phòng ngừa thông qua các biện pháp như bẫy bả, thuốc thảo mộc; quan tâm biện pháp tránh nắng, tránh vỏ quả bị cháy. Cùng đó, thu hoạch đúng độ chín để bảo đảm chất lượng, giữ thương hiệu vải thiều của Bắc Giang” .

Theo Báo Bắc Giang 

Related Post

Sample Plan