Lục Nam là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, nằm ở vị trí trung tâm trên bản đồ địa giới hành chính tỉnh, tiếp giáp với các tỉnh có tiềm năng du lịch lớn (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Dương); là vùng đất có điều kiện tự nhiên, địa hình đa dạng, phong phú, mang tính đặc trưng của tỉnh Bắc Giang; diện tích tự nhiên gần 600km2, dân số khoảng 21 vạn người, với 8 dân tộc anh em cùng sinh sống; có lịch sử văn hóa lâu đời; có hệ thống đường giao thông thuận lợi. Đặc biệt tuyến đường tỉnh 293 - con đường tâm linh có chiều dài 51km chạy qua huyện, tạo điều kiện đặc biệt thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển du lịch của địa phương.
Tiềm năng du lịch phong phú
Lục Nam là một vùng bán sơn địa với một địa hình phức tạp đan xen, cánh cung Đông Triều phía Tây Yên Tử ôm ấp dải huyền Đinh, dòng sông Lục hiền hòa chảy như dải lụa mềm qua những xóm thôn trù phú. Hình sông thế núi ấy đã mang lại cho Lục Nam những thắng cảnh đẹp nguyên sơ cùng với nền văn hóa kết tinh qua nhiều thời đại mà dấu tích còn lưu đã làm nên những giá trị to lớn trở thành tiềm năng cho phát triển du lịch.
Thác Thùm Thùm
Lục Nam có 263 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 72 di tích đã được xếp hạng, 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia.Tiềm năng du lịch văn hoá Lục Nam đặc biệt được mở khi thông xe tuyến tỉnh lộ 293. Đây được xác định là con đường tâm linh bởi đã kết nối Thiền phái Trúc lâm - Yên Tử với di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm. Hành trình du lịch tâm linh - sinh thái được kết nối từ chùa Vĩnh Nghiêm, Yên Dũng đến các di tích đình chùa Sàn xã Nghĩa Phương, đình Hà Mỹ xã Chu Điện, đình Thân thị trấn Đồi Ngô, di chỉ khảo cổ chùa Cao xã Khám Lạng, đình làng Đại Từ xã Bảo Đài- cơ sở Đảng đầu tiên của Lục Nam ra đời… Sang bên kia sông Lục Nam có hệ thống chùa của xã Cương Sơn, Huyền Sơn nối liền với đền Suối Mỡ là khu di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia còn lưu giữ được những hiện vật quý, những giá trị to lớn về kiến trúc, lịch sử văn hóa… địa danh gắn liền với các sự kiện lịch sử như: Đấu đong quân, Bãi quần ngựa, chùa Hòn Trứng và đặc biệt huyện còn có hương án đá chùa Khám Lạng được công nhận là bảo vật quốc gia.
Hương án đá chùa Khám Lạng - bảo vật quốc gia
Lục Nam có nhiều thắng cảnh tự nhiên đẹp tạo nên thế mạnh du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng thu hút được đông đảo du khách biết đến như: Suối Mỡ xã Nghĩa Phương, Suối Nước Vàng xã Lục Sơn, Hồ Suối Nứa xã Đông Hưng, Vực Rêu xã Cẩm Lý. Địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của huyện phải kể đến khu du lịch sinh thái Suối Mỡ với dòng Suối Mỡ có nhiều thác nước tuyệt đẹp cùng ba ngôi đền thờ công chúa Quế Mỵ Nương, con vua Hùng Định Vương được suy tôn là “Bà chúa Thượng ngàn”. Nơi đây đã được các cấp chính quyền cùng nhân dân địa phương đầu tư tôn tạo và phát triển từ nhiều năm nay. Hàng năm, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách đến thăm quan, chiêm bái.
Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương
Ngoài ra Lục Nam có những bản làng người dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí sinh sống. Mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa riêng thể hiện qua tiếng nói, trang phục truyền thống, nếp sinh hoạt, văn hóa ẩm thực, lời ca tiếng hát và cách thức sản xuất một số nghề thủ công đã tạo nên những giá trị văn hóa đặc trưng của người dân bản địa. Môi trường sinh thái và văn hóa bản địa là hai điều kiện cơ bản tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng đất này.
Thác Suối Mỡ
Định hướng phát triển
Thực hiện Chương trình phát triển du lịch của tỉnh, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Lục Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn. Công tác quy hoạch các khu, điểm du lịch được quan tâm.Đề án quy hoạch xây dựng chung Khu du lịch sinh thái suối Mỡ đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt. Kết cấu hạ tầng du lịch được đầu tư với tổng số vốn trên 200 tỷ đồng, trọng tâm là Khu du lịch sinh thái suối Mỡ. Huyện tranh thủ nguồn vốn từ tỉnh và của địa phương, huy động xã hội hóa để nâng cấp và sửa chữa đền Hạ với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa chiếm khoảng 35%; Trùng tu, tôn tạo, phục dựng các di tích lịch sử, văn hóa như đình Sàn, đình chùa Đọ. Nhiều tuyến đường đến các khu, điểm du lịch được nâng cấp, sửa chữa như: nâng cấp đường từ quốc lộ 31 (điểm cầu tại Trại Mít) đi hồ Suối Nứa, thuộc địa bàn xã Đông Hưng; tuyến đường dài 2 km từ quốc lộ 37 vào Hố Mỵ (đền Thần Nông)... Đến nay, từ trung tâm huyện hoặc du khách đến với Lục Nam qua các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn đều có thể dễ dàng đến với các điểm, khu du lịch trọng điểm. Hiện nay, tuyến du lịch Vĩnh Nghiêm - Suối Mỡ - Tây Yên Tử chạy dài trên trục đường tâm linh 293 đang là tuyến du lịch trọng điểm, thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
Thắng cảnh Suối Nước Vàng
Giai đoạn 2020 – 2025, trên cơ sở xác định rõ các tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, Lục Nam đang xây dựng những cơ chế đầu tư và thu hút đầu tư hợp lý nhằm khai thác ngày một lớn hơn các lợi thế về tài nguyên, cảnh quan, môi trường và các cụm di tích lịch sử - văn hoá. Trong đó tập trung kêu gọi thu hút đầu tư vào phát triển khu du lịch Suối Mỡ để trở thành điểm nhấn, tạo tiền đề mở rộng phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung vào việc xây dựng quy hoạch các điểm du lịch khác như: Hồ Suối Nứa, Suối Nước Vàng…, chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông và nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch.
Hồ Suối Nứa
Bên cạnh Lục Nam sẽ tập trung xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch; xây dựng các thiết chế văn hoá, gắn phát triển văn hoá với du lịch; khuyến khích các cơ sở kinh doanh các loại hình dịch vụ để phục vụ khách du lịch; đầu tư các điểm vui chơi cho khách du lịch; khai thác vốn văn hoá truyền thống nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính dân tộc; khôi phục các lễ hội và làng nghề truyền thống như: Mây tre đan, dệt vải của đồng bào dân tộc…, tạo ra các sản phẩm phục vụ khách du lịch.
UBND huyện sẽ tích cực tuyên truyền quảng cáo về tiềm năng du lịch của huyện, chú trọng đến việc phát triển và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch cũng như các kiến thức về văn hoá, du lịch cho nhân dân ở những nơi có điểm du lịch. Tổ chức tuyên truyền và giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân để mọi người có ý thức trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường và cảnh quan văn hoá./.
Nguyễn Thúy