Đình được xây dựng cuối thế kỷ XVII thời hậu Lê đến năm 1688 hoàn thành. Trải qua năm tháng chiến tranh, sự xuống cấp bởi thời gian qua nhiều lần tu bổ, đình Phù Lão vẫn giữ nguyên cho mình những nét cơ bản của ngôi đình cổ Việt Nam, nhất là về kiến trúc nghệ thuật. Bên trái Đình còn lưu giữ một tấm bia đá tứ diện, cao hơn 1m ghi công bà Đào Thị Hiền đã đóng góp tiền của xây dựng đình. Đình là nơi thờ thánh Cao Sơn - Quý Minh, ngoài ra còn thờ hai vợ chồng ông Hậu là những người có công tạo dựng ngôi đình.
Đình có bốn tàu đao mái, mái đình được lợp bằng ngói mũi bài. Tòa đại đình gồm bảy gian, dài 23m, rộng 12m, với 8 vì kèo 6 hàng cột, 48 cột. Các vì kèo kết cấu theo lối chồng rường giá chiêng, kết hợp kẻ moi ở bốn góc. Bốn cột giữa có bốn bức cốn chạy dài gần cả gian tạo nên bốn bức tranh trang trí lớn. Trừ cột, rui và hoành, các cấu kiến trúc gỗ khác như đầu dư, cốn, ván nong, kẻ, đấu trụ... đều được chạm trổ nhiều hình ảnh phản ánh cảnh sinh hoạt làng xã. Các bức chạm trổ đều được trang trí hình rồng và cảnh sinh hoạt văn hóa đời sống phồn thực, có cảnh múa hát của nam và nữ hoặc biểu diễn xiếc, hình người cưỡi rồng, hình người múa võ. Trên ván ở đầu bẩy, có chạm hình thiếu nữ không có xiêm y trên râu rồng, làn tóc dài uốn từ sau lên trước, cảnh trai gái tỏ tình, âu yếm, cảnh ổ rồng có rồng mẹ và các rồng con, thể hiện một cách chân thực sinh động.