Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

LÊN NÚI BÀI XANH THĂM LĂNG HỌ ĐOÀN

15/12/2022 902 0

Lăng họ Đoàn là quần thể di tích không chỉ có giá trị lịch sử văn hoá, giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo mà còn là nơi tham quan du lịch sinh thái tâm linh hấp dẫn ở Vân Trung, Việt Yên (Bắc Giang). Có thể coi, lăng họ Đoàn là dấu chấm son về công trình kiến trúc lăng đá cổ trên núi Bài Xanh.

Cổng lăng họ Đoàn

Qua thôn Bài Xanh, theo đường mòn sườn núi khoảng chưa đầy 50m là tới lăng đá họ Đoàn. Ông Đoàn Thế Liền, Phó chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Đoàn ở Vân Trung cho biết: “Trong gia tộc còn lưu giữ được cuốn gia phả ghi khá rõ và đầy đủ về sự tích công trạng người được thờ và thời gian xây dựng lăng”. Nội dung cuốn gia phả ghi: Người được thờ trong lăng là ông Đoàn Công Bạo tên chữ là Phúc Thực, tên ghi trong văn bia ở từ đường họ Đoàn và văn bia trong các ngôi đình thờ là Đoàn Đăng Đán. Ông là con trai cụ Đoàn Công Tự Phúc Lai ở Vân Cốc, Bắc Giang.

Năm Vĩnh Hựu, đời Vua Lê Ý Tông (1735-1740) từng làm kỵ binh, chỉ huy quân sỹ trong cung điện, sau có công dẹp giặc được nhà vua phong: “Kim Tứ vinh lộc Đại phu Chiêm sư viên”. Lại được phong tặng chức: “Vũ Huân tướng quân Thần vũ tư vệ Quân vụ sự Tham đốc Vịnh tạo Hầu”. Đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786), từng cai quản công việc nội chính trong cung. Phò tá quan Thi Bắc Cung Thị Hầu Nghiêm Đôi Thiên. Quản lý sửa sang, ghi chép, sắp xếp đội ngũ quân quan và nhân viên trong cung. Làm việc trong Đô Đốc Phủ, thay phiên quan Tả Đô Đốc Thái Bảo, sau lại nhận chức Đán Trung Hầu. Là người đôn hậu phong lưu, ngay thẳng, độ lượng, khiêm nhường. Giải quết công việc thận trọng, nghiêm khắc, được tiếng là người thanh niêm. Vợ ông là Ích Từ Thuận, họ Nguyễn Quý được phong tặng là Cung Nhân.

Dâng hương trước tiêu Dao Am

Lúc Quốc gia thanh bình, về nghỉ hưu ở quê nhà, ông cho xây dựng Đình, Đền thờ, Từ Đường tại bản xã. Lại xây dựng 7 dương cơ ở 7 khu. Cũng thời gian này cho xây dựng Lăng Miếu tại núi Hình Nhân- Non Xanh, dựng Tiêu Dao Am, sau khi mất mộ táng tại đây. Năm Cảnh Hưng thứ 30, đời vua Lê Hiển Tông (1769), công đức xây dựng đình thôn Hạ, xã Hành Quán, tổng Tư Mại. Năm Cảnh Hưng 31, (1770) công đức xây dựng đình Bài Xanh. Năm Cảnh Hưng 33, (1772) công đức xây dựng đình Trung Đồng. Năm Cảnh Hưng 36, (1775) công đức xây dựng Điếm Trũng, cùng thời gian này công đức xây dựng đình thôn Văn Khê, xã Hành Quán, tổng Tư Mại. Năm Cảnh Hưng 38, (1777) công đức xây dựng đình, đền thôn Khê, xã Tư Mại và công đức xây dựng đình thôn Cao Đồng, xã Cổ Pháp, tổng Tư Mại. Đến năm 1781, ông mới cho xây dựng Từ Đường- nhà thờ họ Đoàn.

Như vậy gia phả cũng không ghi rõ năm xây dựng lăng họ Đoàn, chỉ biết trong khoảng thời gian này, đời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) cho xây dựng các công trình trên, trong đó có khu lăng miếu họ Đoàn.

Lăng họ Đoàn hiện nay toạ lạc trên núi Hình Nhân- Bài Xanh thuộc dãy Nham Biền nhìn về hướng Nam ghé Tây. Bình đồ kiến trúc khu lăng chạy theo một trục dọc hình chữ nhật bao gồm các hạng mục công trình: Tường bao, cổng lăng, tượng linh thú, tượng người, khu nhang án thờ lộ thiên và Tiêu Dao Am (phần mộ). Tường bao xung quanh khu lăng được xây bằng đá ong nâu trầm cổ kính. Rất tiếc hiện chỉ còn giữ được ít đoạn tường này, phần còn lại đã thay bởi tường đá nhám. Cổng lăng xây kiểu mái vòm, cao 2,85m, rộng 3,85m, sâu lòng 1,45m, vật liệu xây dựng là gạch cổ thời Lê (thế kỷ XVIII), bản rộng 30cm x 30cm x 6cm. Các viên gạch được gắn kết bằng vật liệu kết dính truyền thống, miết mạch, để mộc càng tôn lên vẻ nâu trầm cổ kính. Trước thềm cổng lăng được bo đá gan châu, bài trí tượng đá xanh linh thú, đôi Linh Cẩu hiệu là Côn Bồng, Côn Phát (chó đá) ngồi canh cổng. Phía sau là tượng đá xanh, hai Vũ sỹ tay cầm binh khí, nét mặt uy nghiêm đứng gác cổng. Giữa lòng cổng hai bên sườn lại có hai tượng Vũ sỹ: Tiến Vũ và Thắng Vũ tay cầm binh khí đứng canh cổng. Các pho tượng tạc trong thế đứng, tượng Vũ Sỹ mặc áo giáp có đai, bờ vai và phía trước áo chạm hoa văn đáo mác, vân mây, văn ô trám mang rõ nét mỹ thuật chạm khắc của thời hậu Lê (thế kỷ XVIII).

Khu thờ lộ thiên phía trước Tiêu Dao Am, bài trí nhang án chính xây gạch cổ là nơi đặt lễ thờ Đoàn Tướng Công và Gia Tiên. Phía trước có hai nhang án đặt đối xứng, cũng xây gạch cổ miết mạch, bên Đông là nơi đặt đồ lễ thờ Sơn Thần, bên Tây đặt lễ thờ Võ Sỹ và Nữ Tỳ.

Đại diện dòng họ giới thiệu di tích

Tiêu Dao Am là nhà lăng, nơi an nghỉ của ông Đoàn Đăng Đán. Phía trước tả hữu có hai tượng Nữ Tỳ, mặc áo thụng dài, không chạm khắc hoa văn, tượng bên trái cầm quạt, tượng bên phải cầm ô, đứng hầu.

Nhà Lăng bình đồ kiến trúc hình chữ nhất ngang dựng trên cùng, cao 3,1m, dài 4,85m, rộng 3,5m, gồm hai tầng mái xây bít đốc. Tầng mái trên với hai mặt mái hơi thu nhỏ so với tầng mái dưới. Các mặt mái không lợp ngói mà để trần chát miết phẳng, bằng vữa vật liệu kết dính truyền thống. Tường lăng xây gạch cổ bản rộng, miết mạch, để mộc không chát áo vữa. Các viên gạch cổ thời Lê (thế kỷ XVIII) có màu nâu được gắn kết miết mạch bằng vữa vật liệu kết dính truyền thống màu xám càng tôn nên dáng cổ kính của khu lăng mộ. Phía trước để cửa cuốn mái vòm rộng 1,21m, cao 1,59m. Trong nhà lăng cũng tạo mái vòm, chính giữa đắp biển đề chữ Hán: Tiêu Dao Am. Dưới tạo nhang án hình chữ nhật trên bài trí bát hương thờ. Theo ông Đoàn Thế Hoàng trưởng họ cho biết vốn trước kia Tiêu Dao Am có tượng chân dung của cụ Đoàn Đăng Đán (tượng đá) đang ngồi trên bệ ở giữa cung, phía trước có giường giá ngự. Những năm 1980-1983, khu lăng mộ bị kẻ gian vào phá lấy mất tượng. Hiện nay dòng họ cũng đang có ý định khôi phục lại tượng chân dung của Cụ để thờ cho đúng nguyên gốc xưa.

Hàng năm tại khu lăng họ Đoàn có các sự lệ diễn ra ngày 13, 14 tháng Giêng âm lịch, đây là ngày giỗ cụ Đoàn Đăng Đán, theo lệ cũ vào ngày này có tế lễ tại khu lăng. Mỗi chi trong dòng họ phải sửa một lễ gồm có một mâm xôi, 5 bát gạo, lợn một con, vàng bạc một nghìn thỏi, trầu cau loại chuẩn, tiền cổ 3 quan 500 mang về Từ Đường sửa soạn, sau đó rước lễ lên khu lăng ở núi Bài Xanh làm lễ theo nghi thức cổ truyền. Ngày nay, dòng họ Đoàn vẫn duy trì sự lệ này theo phong tục truyền thống. Đây là dịp anh em, con cháu xa gần trong dòng họ được hội tụ, cùng thắp nén hương thơm tưởng nhớ về cội nguồn tổ tiên họ Đoàn.

Quần thể di tích lăng họ Đoàn không chỉ đẹp về cảnh quan sinh thái mà còn có giá trị lịch sử văn hoá mỹ thuật độc đáo, khu lăng xứng đáng là một bảo tàng đá ngoài trời trên núi Bài Xanh ở Vân Trung, Việt Yên (Bắc Giang).

                                                 Đồng Ngọc Dưỡng

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu