Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

Điểm du lịch tâm linh sinh thái Núi Dành

phongvh_tanyen@bacgiang.gov.vn
0204 3878355

Dịch vụ

Mô tả

Điểm du lịch tâm linh sinh thái núi Dành thuộc thôn Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ với bạt ngàn rừng thông quanh năm rợp bóng mát.

Để đến được khu di tích này, du khách có thể đi theo tuyền Quốc lộ 17, sau đó rẽ vào đường liên xã Việt Lập và Liên Chung, đi thêm 5km là đến nơi. Quần thể núi Dành và khu di tích nằm trên đỉnh núi mang một màu xanh tươi bát ngát, khung cảnh thiên nhiên bình yên, tĩnh tại. 

Núi Dành nằm cách dòng sông Thương thơ mộng không xa, có đỉnh cao nhất khoảng 117 m so với mặt nước biển và là dãy núi lớn thứ hai của huyện Tân Yên sau núi Đót (xã Phúc Sơn). Nơi đây gây ấn tượng với cảnh quan trong trẻo, thơ mộng. Toàn bộ quần thể ngọn núi được bao phủ bởi một gam màu xanh tươi tuyệt đẹp. Đó là sắc xanh của rừng thông có tuổi đời khoảng 50 năm. Đến đây, nhiều du khách có cảm tưởng như đang vi vu Đà Lạt. Dọc đường đi bộ lên đỉnh núi, bạn sẽ được thưởng thức một bức tranh phong cảnh nên thơ dịu dàng. Mỗi cơn gió đi qua là tiếng thông reo rì rào. Bất kỳ góc nào trên đường lên núi, bạn đều có thể dừng chân chụp cho mình vài bức ảnh check in ưng ý. 

 Đường lên núi Dành được xây bậc gạch với tổng cộng 345 bậc thoai thoải. Ngay dưới chân núi là giếng Mũi Voi, sâu khoảng 2m, đã được xây bó bờ xung quanh. Người dân địa phương cho biết nước giếng luôn trong xanh và không bao giờ cạn. Tọa lạc ở núi Dành là đền Dành, công trình văn hoá tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Quần thể đền Dành gồm 3 đền: Đền Trình (dưới chân núi), đền Thượng (trên đỉnh núi) và đền Hạ (khu vực lưng chừng núi). Đền Dành thờ thần Cao Sơn, Quý Minh, khi sống là những vị tướng tài giỏi, thác đi trở thành những vị thần linh thiêng, hiển thánh lại âm phù, giúp dân trừ tai diệt họa, được nhân dân nhiều đời thờ phụng. Không ai biết chính xác đền Dành được xây dựng từ khi nào nhưng căn cứ vào những tài liệu hiện vật di tích như cột đá, bát hương cổ, đồ tế khí, ngai thờ còn lưu giữ trong đền... thì công trình này được xây dựng từ thời Lê thế kỷ XVIII.

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ngôi đền đã bị hủy hoại đi nhiều, không còn nguyên vẹn như xưa. Tuy nhiên, nhân dân nơi đây đã nhiều lần trùng tu, cải tạo, ngôi đền đã khang trang, đẹp đẽ hơn nhưng vẫn còn lưu lại nhiều nét cổ kính, riêng biệt. Đặc biệt, đền Dành hiện nay được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng lại vào năm 2017 với quy mô lớn hơn.

Đến với Khu di tích núi Dành, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan bao la hùng vĩ mà còn được nghe câu chuyện lưu truyền trong dân gian về sản vật tiến Vua- sâm Nam của người dân nơi đây. Chuyện kể rằng, ở một đỉnh núi nọ có hai mẹ con nương tựa vào nhau mà sống. Một hôm, người mẹ đột ngột lâm bệnh nặng nhưng nhà không có tiền chạy chữa. Anh con trai đành lên núi tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ. Đi đến gần tối vẫn không được gì, chàng trai ngồi nghỉ rồi ngủ thiếp đi dưới một gốc cây đại thụ lớn ở lưng chừng núi Dành. Trong giấc mơ, anh thấy mình tìm được gốc sâm cứu mẹ. Tỉnh giấc, bàn tay vẫn nắm chặt một thân dây rất nhỏ. Đưa lên ngửi, chàng mới hay mình đã tìm ra cây sâm tiên nên vội đào củ đem về sắc thuốc cho mẹ uống. Được uống sâm quý, người mẹ ít ngày sau liền khỏi ốm.

Công dụng của loài sâm quý này càng trở nên ly kỳ, hấp dẫn hơn và được ví như “tiên dược” khi giúp mẹ vua Tự Đức là Hoàng Thái Hậu Từ Dũ (Từ Dụ) sáng mắt trở lại. Chuyện kể rằng thời vua Tự Đức, mẹ vua bị loà mắt. Thương mẹ, nhà vua đã tìm mọi thảo dược quý hiếm cũng như các bậc lang y tài giỏi lúc bấy giờ cứu chữa song bệnh ngày càng nặng. Các lang y kỳ tài, những phương thuốc hay đều đã dùng cả nhưng không có kết quả. Vào lúc nhà Vua vô vọng, một vị quan dâng lên một loài sâm quý tại vùng núi Dành. Chẳng ngờ, sâm quý như thuốc tiên đã giúp đôi mắt thân mẫu nhà vua sáng lại. Bởi thế nên mới có câu ca: “Sâm Nam nổi tiếng núi Dành/Chữa loà cho mắt lại lành như xưa”. Cũng từ đó, sâm núi Dành được ví như kỳ thảo, “tiên dược”, trở thành sản vật tiến Vua hàng năm.

Ở Núi Dành, du khách có thể tham gia rất nhiều hoạt động thú vị, ví dụ đi xe hát ống và hát ví. Đây là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của người dân bản địa. Hai bộ môn hát này gần gũi với đời sống, dễ học thuộc lời, thường là những câu lục bát với ngôn từ phong phú, dễ sáng tạo. 

Đi Núi Dành, bạn còn có thể thưởng thức món ngon đặc sản của ẩm thực Bắc Giang. Đó là món nem nướng Liên Chung làm từ thịt lợn sống để lên men. Món ăn này khi thưởng thức phải được nướng lại trên than củi, dậy mùi thơm hết sức đặc biệt, khi ăn có hương vị đậm đà khó cưỡng.

Định hướng phát triển của huyện đối với Khu di tích núi Dành là xây dựng thành khu du lịch tâm linh sinh thái với dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối với đường vành đai V; khôi phục văn hóa phi vật thể, nâng cấp lễ hội Bảo Lộc Sơn thành cấp vùng. Để làm được điều này, ngoài nguồn lực địa phương, Tân Yên có kế hoạch thu hút doanh nghiệp đầu tư vào đây. Trước mắt, huyện sẽ tiến hành tu sửa toàn bộ bậc lên xuống núi Dành tạo thuận lợi cho du khách tham quan, trải nghiệm khu di tích này.

Hiện nay, khu du lịch tâm linh sinh thái núi Dành đã được công nhận là điểm du lịch của tỉnh. Hàng năm, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm. Khi đến thăm khu di tích Núi Dành, du khách sẽ được ngắm cảnh đẹp, trải nghiệm nhiều hoạt động để hiểu hơn về cuộc sống, văn hóa và bản sắc người dân Bắc Giang. Với tiềm năng du lịch hiện có cùng những nét văn hóa độc đáo và định hướng phát triển của huyện, tin rằng khu di tích núi Dành sẽ trở thành “điểm đến” hấp dẫn, những nét văn hóa nơi đây sẽ ngày càng được nhiều người biết đến./.

Những điểm lân cận

Bản đồ